Tất cả những chiếc máy tính PC đều có tuổi thọ nhất định. Bạn sẽ sớm nhận ra điều này mỗi khi chúng: ngày một ì ạch hơn, ồn hơn, và bắt đầu xuất hiện những cửa sổ báo lỗi mà chẳng biết vì lý do gì.
Tuy nhiên, điều may mắn là hầu hết các vấn đề về tuổi thọ trên PC hay máy tính cá nhân đều có thể xác định và chuẩn bị cách khắc phục từ trước. Do đó, để chiếc máy tính thân yêu của mình có thể hoạt động được lâu dài, trước hết bạn đọc nên tìm hiểu về các tác nhân có thể gây hại cho phần cứng máy tính, rồi từ đây tìm hướng khắc phục phù hợp.
1. Hệ thống tản nhiệt và thông gió
Nhiệt độ là kết quả của quá trình vận hành của máy tính nhưng cũng đồng thời là yếu tố lớn nhất có thể gây ảnh hưởng tới chiếc PC của bạn. Cụ thể, nhiệt độ cao sẽ khiến máy tính hoạt động không được như hiệu suất mong muốn mà còn chậm ì ạch, giảm tuổi thọ, thậm chí gây hỏng các linh kiện trên máy. Đối với laptop, máy nóng khiến thời lượng pin giảm nhanh chóng.
Cách khắc phục: Để hạn chế điều này, các mẫu máy tính đều được đi kèm với một hệ thống thông gió bao gồm quạt và các khe thông gió. Bên cạnh việc giữ cho hệ thống lọc gió này hoạt động ổn định, người dùng cũng nên lưu ý tới vị trí đặt PC/laptop. Nếu bạn đặt chúng ở dưới ngăn bàn, hoặc sát góc tường, rất có khả năng hệ thống thông gió của máy sẽ bị ảnh hưởng do các luồng khí nóng không thoát ra được và luồng khí mát không vào được bên trong.
Ở một số laptop, khe thông gió của máy lại nằm ở phía mặt dưới. Do đó bạn cần kê chiếc laptop lên cách mặt bàn một khoảng, hoặc sử dụng các sản phẩm đế tản nhiệt để làm mát cho máy.
2. Bụi bẩn
Vấn đề máy tính bám bụi không chỉ làm cách linh kiện bên trong tiếp xúc kém mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề lưu thông gió. Cụ thể, bụi bẩn sẽ bám lại ở các khe kẽ, quạt thông gió và khiến chúng không thể làm mát cho hệ thống. Bị bám bụi cũng khiến các bộ phận quạt hoạt động vượt công suất thông thường, dẫn tới tiêu tốn điện năng một cách dư thừa mà lại tạo tiếng ồn khó chịu trong quá trình sử dụng.
Cách khắc phục: Để hạn chế điều này, người dùng nên chủ động vệ sinh máy tính, laptop sau khoảng 3-6 tháng sử dụng bằng chổi hoặc máy thổi bụi. Nếu chưa có kinh nghiệm làm vệ sinh máy tính để bàn hoặc laptop, bạn có thể tham khảo các dịch vụ bảo trì máy tính trên mạng hoặc ngay tại cửa hàng nơi mua máy.
3. Dây cable nối
Đôi khi một vài vấn đề của máy tính lại chỉ đến từ những việc đơn giản như: lỏng khe cắm RAM, lỏng chân VGA, hoặc dây cable màn hình.
Cách khắc phục: Trong quá trình bảo trì máy, người dùng được khuyến cáo nên kiểm tra lại dây dable, jack kết nối trước khi khởi động lại máy.
4. Quá tải điện
Quá tải điện, hay còn gọi là sốc điện có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân như sét đánh qua đường dây điện, đường cáp Internet,.. Quá tải điện có thể dẫn tới nhiều vấn đề nghiêm trọng cho máy tính, cũng như laptop: có thể khiến các linh kiện như bộ nguồn, mainboard, ổ cứng bị hư hại, cháy hỏng hoặc giảm mạnh tuổi thọ. Tuy nhiên các trường hợp về quá tải điện thường khá hy hữu, và ít khi xảy đến trong quá trình sử dụng máy.
5. Mất điện
Bên cạnh vấn đề về quá tải điện, thì tình trạng mất điện dẫn tới sụp nguồn có thể xảy ra thường xuyên hơn, và cũng gây những tác hại nhất định cho hệ thống. Thông thường, sụp nguồn rất dễ dẫn tới mất dữ liệu, và ổ cứng HDD/ SSD có thể chịu những thương tổn vĩnh viễn. Mất điện đột ngột cũng gây hại tới hầu hết linh kiện bên trong máy tính, khiến tỷ lệ gặp lỗi sẽ cao hơn sau này, nguồn dễ bị cháy hơn, và mainboard cũng bị giảm tuổi thọ.
Cách khắc phục: Để hạn chế vấn đề mất điện, đặc biệt là tại những khu vực có điện kém ổn định, người dùng nên trang bị cho mình các bộ nguồn cấp điện dự phòng để đề phòng khi có sự cố. Bên cạnh đó, tránh sử dụng máy tính khi điện có dấu hiệu chập chờn, bất ổn.
6. Các tác động vật lý
Các linh kiện điện tử nói chung đều dễ hỏng hóc khi xảy ra va đập hay có các tác động vật lý. Cũng chính vì lý do này mà người dùng nên lưu ý khi sử dụng máy tính để bàn cũng như laptop, tránh rơi vỡ, va đập dẫn tới ảnh hưởng các linh kiện bên trong.
Trong đó, ổ cứng HDD và ổ SSD là những linh kiện dễ bị tổn thương nhất sau va đập, đặc biệt là trong khi đang hoạt động. Các chấn động vật lý cũng có thể khiến các linh kiện bị trật khỏi khe cắm, hay các dây cáp bị tuột và khiến máy không thể hoạt động bình thường.
7. Phần mềm
Các vấn đề về phần mềm thường không trực tiếp ảnh hưởng tới tuổi thọ của PC, nhưng chúng có thể khiến thiết bị của bạn chạy ì ạch hoặc không đạt hiệu suất như mong đợi. Máy bị tấn công bởi phần mềm độc hại, virus, malware còn có nguy cơ mất dữ liệu, lộ thông tin cá nhân, và gặp phải các vấn đề về hệ thống.
Về cách khắc phục, trước hết, người dùng cần đảm bảo máy tính được cài đặt các chương trình bảo mật chống virus và kích hoạt tường lửa để ngăn chặn các nguồn gây hại. Sau đó, chúng ta cần quản lý dữ liệu bên trong máy cho hợp lý, tắt các ứng dụng chạy ngầm, xóa bỏ phần mềm không cần thiết,.. để gia tăng tốc độ cho máy tính.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét